Tiền mã hóa là gì? Làm sao để mua bán tiền điện tử, tiền mã hóa?
- 02873-036-527
- Số 1 đường Song Hành, Phường An Phú
- 500000-10000000 VND
- https://oncredit.vn/images/logo-img.svg

Có thể bạn từng nghe tới khái niệm về tiền điện tử, tiền ảo, tiền mã hóa, nhưng vẫn chưa thực sự hiểu nó là gì. Không chỉ đơn giản là tiền kỹ thuật số, được lưu trữ và giao dịch trên không gian ảo, tiền điện tử và công nghệ liên quan có tiềm năng được ứng dụng trong ngành tài chính cũng như các ngành công nghiệp khác. Vậy tiền điện tử là gì? Tại sao tiền điện tử (tiền ảo) lại “gây sốt”? Có nên đầu tư vào tiền điện tử hay không?
Tiền điện tử là gì?
Tiền điện tử là một loại tiền kỹ thuật số không do ngân hàng trung ương hoặc bên thứ ba thực hiện xác minh giao dịch và tạo đơn vị tiền tệ mới. Thay vào đó, tiền điện tử sử dụng mã khóa để xác nhận các giao dịch trên blockchain - một “sổ cái” phi tập trung & công khai.
Bitcoin, được ra mắt vào năm 2008, là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thị trường và tính đến hiện tại, Bitcoin vẫn là đồng coin có giá trị lớn nhất, có ảnh hưởng nhất và được biết đến nhiều nhất. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, Bitcoin và các loại tiền điện tử khác như Ethereum đã phát triển mạnh mẽ và trở thành những lựa chọn thay thế cho tiền pháp định - tiền do chính phủ phát hành. Tính theo vốn hóa thị trường, các đồng coin phổ biến nhất hiện nay lần lượt là Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash và Litecoin.
Ở Việt Nam, tiền điện tử thường được gọi là tiền ảo, coin, crypto hoặc tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số. Tất cả những từ này để chỉ chung về “Crytocurrency” - Tiền điện tử. Tiền điện tử không phải do ngân hàng trung ương hay chính phủ nào phát hành mà nó được lưu thông và kiểm tra giao dịch bằng mạng lưới blockchain.
Vậy nên tiền điện tử được coi là đồng tiền “phi tập trung” - không qua trung gian hoặc bất kỳ tổ chức nào kiểm soát hay vận hành.
Tính chất của tiền điện tử
- Khả năng giao dịch không giới hạn
Tiền điện tử có thể được giao dịch với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu với tốc độ nhanh chóng.
- Sự riêng tư
Khi thanh toán bằng tiền điện tử, bạn không cần phải cung cấp các thông tin cá nhân không cần thiết cho người nhận. Tức là các thông tin cá nhân của bạn không bị chia sẻ với bên thứ ba (ngân hàng, dịch vụ thanh toán, các kênh quảng cáo, hay thậm chí là đơn vị xếp hạng tín dụng). Cũng vì thế, bạn sẽ không vướng vào rủi ro bị xâm phạm thông tin cá nhân hoặc bị lộ danh tính.
- Bảo mật
Các đồng tiền điện tử (Bitcoin, Ethereum, Tezos, Bitcoin Cash, v.v.) đều được bảo mật bằng công nghệ blockchain, được kiểm tra và xác minh liên tục bằng các thuật toán.
- Tính di động
Bởi vì tiền điện tử không bị quản lý bởi các tổ chức tài chính hoặc bất kỳ chính phủ nào, bạn có thể sử dụng coin ở bất kỳ đâu trên thế giới và dù có bất kỳ điều gì xảy ra với kênh trung gian bất kỳ trên hệ thống tài chính toàn cầu.
- Minh bạch
Mọi giao dịch tiền điện tử đều được công bố công khai trên blockchain, không có ngoại lệ. Tức là các giao dịch coin không thể bị thao túng, thay đổi thông tin… khi đã được ghi nhận trên blockchain.
- An toàn
Bản chất của tiền điện tử đảm bảo sự an toàn của chúng: hệ thống không yêu cầu cấp phép và phần mềm cốt lõi là mã nguồn mở - tức là bất kỳ ai có hiểu biết về máy tính và mật mã học đều có thể kiểm tra mạng lưới tiền điện tử cũng như độ bảo mật của nó.
Tiền điện tử có thể được sử dụng để làm gì?
- Mua sắm: Vô số nhà bán lẻ trên toàn cầu chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử.
- Quyên góp: Nhiều tổ chức cũng chấp nhận các khoản quyên góp bằng tiền điện tử.
- Bo tiền hoặc tặng tiền cho người khác: Nhiều tác giả, nhạc sĩ và những người sáng tạo nội dung khác có thể để lại địa chỉ nhận tiền điện tử trong tác phẩm của họ. Nếu bạn thích các tác phẩm, sáng tác của họ, bạn có thể tặng lại tiền điện tử như một cách tri ân.
- Mua tài sản trong thế giới ảo: Với các sản phẩm NFT hoặc trong các NFT game, bạn có thể mua và bán tài sản, đất đai, quần áo, hình đại diện… bằng coin hoặc token thích hợp.
Và còn vô số những ứng dụng khác của tiền điện tử mà người chủ sở hữu coin/token có thể trải nghiệm.
Cách hoạt động của tiền điện tử
Tiền điện tử hoạt động trên một mạng lưới ngang hàng, không có trung gian. Các giao dịch được ghi lại trên một sổ cái” công khai sử dụng công nghệ blockchain. Vậy nên dữ liệu về giao dịch coin sẽ được chia sẻ công khai, nhưng thông tin cá nhân của người giao dịch tiền điện tử thì không.
Thế nhưng nếu coin không được ngân hàng hay chính phủ nào phát hành thì chúng đến từ đâu?
Nguồn gốc của tiền điện tử
Người dùng cá nhân tạo hoặc “khai thác” coin bằng cách giải các thuật toán phức tạp, sử dụng các máy tính chuyên dụng cho việc khai thác, hay còn gọi đơn giản hơn là đào coin.
Proof of work (PoW) và proof of stake (PoS) là cách để các thợ đào coin chứng minh quyền sở hữu của họ đối với các đồng coin mới được khai thác. Vì mỗi thuật toán là duy nhất nên sau khi được giải mã, blockchain sẽ nhận diện rằng đó là một giao dịch chính xác.
Proof of work (PoW) và proof of stake (PoS) là gì?
- Proof-of-work (PoW - Bằng chứng công việc):
Là một giao thức đồng thuận mà những người khai thác coin (thợ đào) phải cạnh tranh bằng cách sử dụng thiết bị tân tiến (máy đào) để tạo ra winning code (mã chiến thắng), giúp họ có quyền hợp thức hóa một khối (block) mới trên blockchain.
Các thợ đào sẽ nhận thưởng cho mình dưới dạng coin hay token mới được phát hành. Hiểu đơn giản, người thực hiện (làm việc) mới được chứng nhận là người sở hữu coin/token đã đào. Các đồng tiền điện tử được lưu trữ dựa theo cơ chế PoW thường gặp là Bitcoin, Dogecoin và Litecoin.
- Proof-of-stake (PoS - Bằng chứng cổ phần):
Đây là một giao thức đồng thuận ít tiêu tốn năng lượng hơn và có thể thay thế cho PoW. Với PoS, người dùng sẽ ký gửi (stake, staking) một lượng tài sản nhất định để trở thành người xác thực (validator) của Blockchain. Tất cả những gì họ cần làm là gửi (hoặc khóa) một lượng tiền cụ thể trên blockchain để thể hiện họ có cam kết với sự an toàn của blockchain đó. Stake được coi như tài sản thế chấp để chứng minh cho sự tồn tại của block.
Số lượng stake sẽ quyết định xem node (nút) của một người dùng có được chọn làm validator cho block tiếp theo hay không. Như vậy, người nào bỏ ra càng nhiều stake thì càng có cơ hội hơn người đặt ít stake hơn. Các đồng tiền điện tử phổ biến nhất được lưu trữ dựa theo cơ chế này là Cardano, Ethereum 2.0 và Polkadot.
Lưu trữ tiền điện tử
Khi bạn mua tiền điện tử, bạn cần “giữ tiền” trong ví kỹ thuật số. Hiểu đơn giản, ví tiền điện tử là một ứng dụng hoạt động tương tự như một tài khoản ngân hàng.
Bạn có thể truy cập ví của mình bằng điện thoại thông minh/máy tính hoặc sở hữu một chiếc ví phần cứng (giống như USB hoặc chìa khóa xe). Và lúc này, bạn đã có thể sử dụng tiền điện tử để thanh toán hàng hóa và dịch vụ.
Tìm hiểu thêm về ví tiền điện tử với bài viết của OnCredit.
Sử dụng tiền điện tử
Để sử dụng coin, bạn cần một khóa riêng tư (private key) để mở ví điện tử, xác minh bạn có tư cách là chủ sở hữu và tiếp tục thực hiện giao dịch. Ngoài ra, bạn có thể chia sẻ khóa công khai (public key) để nhận coin từ người khác gửi đến. Với ví tiền điện tử, bạn có thể dễ dàng chuyển - nhận coin mà không có trung gian như ngân hàng.
Ví dụ, bạn là người sáng lập một tổ chức từ thiện, và bạn chấp nhận người quyên góp bằng tiền điện tử. Lúc này, bạn có thể chia sẻ khóa công khai lên mạng xã hội, lên trang web từ thiện để mọi người có thể gửi tiền cho bạn. Nhưng để mở khóa và có quyền truy cập vào tài khoản nhận tiền quyên góp đó, bạn sẽ cần một khóa riêng tư.
Những đồng tiền điện tử phổ biến hiện nay
Ví dụ nổi tiếng nhất về tiền điện tử chính là Bitcoin. Xuất hiện lần đầu vào năm 2009, Bitcoin hiện là đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường.
Những đồng tiền điện tử phổ biến khác có thể kể đến Ethereum, Ripple, Tether và Litecoin. Khi bitcoin tăng giá, giá của các đồng coin, token khác cũng thường sẽ tăng mạnh.
Tính đến đầu năm 2022, hiện có hơn 9500 loại coin, token đã có mặt trên thị trường. Ngoài ra có vô số dự án tiền điện tử khác đang được nhen nhóm và chuẩn bị có mặt trên thị trường.
Litecoin là gì?
Litecoin là một đồng tiền điện tử được ứng dụng để làm cơ chế thanh toán mà không cần thực hiện giao dịch thông qua một bên trung gian như ngân hàng. Litecoin là sản phẩm được Charlie Lee - một trong những nhà phát triển cũ của Google - phát hành, có tốc độ xác nhận giao dịch nhanh gấp 4 lần so với Bitcoin: chỉ tốn 2,5 phút để hoàn thành 1 giao dịch.
Dogecoin là gì?
Dogecoin là một trong những đồng “Memecoin” nổi tiếng nhất hiện nay. Được tạo ra vào năm 2013, “Memecoin” vốn có mục đích chế nhạo sự phát triển của các đồng tiền điện tử như bitcoin.
Bất ngờ là thị trường lại đột nhiên quan tâm đến đồng coin này, và đẩy giá trị của Dogecoin lên đến hơn 50 tỷ đô la Mỹ. Người ta cho rằng cơn sốt “Dogecoin” được bắt nguồn từ Elon Musk - một tỷ phú người Mỹ và người sáng lập SpaceX. Lý do là vì Elon Musk thường đăng cái bài viết ủng hộ Dogecoin, đồng ý cho thanh toán bằng Dogecoin cho các dịch vụ của mình…
Có những loại tiền điện tử nào khác?
Như đã đề cập bên trên, hiện có hơn 9.500 đồng coin hoặc token đang hiện hữu trên thị trường. Tuy nhiên, hãy lưu ý:
- Phần lớn các đồng coin, token này ít khi được sử dụng và giao dịch. Vậy nên bạn có thể rất khó bán nó cho người khác.
- Những đồng tiền có giá trị thấp cũng rất khó dự đoán. Ví dụ: giá của đồng Adventure Gold đã tăng hơn 1000% chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 9 năm 2021.
Tiền ảo có hợp pháp tại Việt Nam không?
Trên thực tế, sử dụng tiền ảo có nhiều điểm thuận tiện nhưng không phải không có rủi ro. Hiện tại, nhiều quốc gia vẫn không hợp pháp hóa việc sử dụng các đồng coin hay token như Bitcoin, Ethereum… Ở Việt Nam, các giao dịch bằng tiền điện tử (cryptocurrency) không được pháp luật bảo vệ. Tức là nếu bạn gặp phải rủi ro trong quá trình giao dịch, đầu tư coin, bạn sẽ không được bảo vệ hay bồi thường hay hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhưng bạn vẫn có thể mua bán, giao dịch các đồng coin, token theo mong muốn. Bạn có thể lựa chọn giao dịch, mua bán coin với nhiều mục đích khác nhau:
- Để trading: đầu tư lướt sóng, mua coin lúc giá thấp, trữ coin đến lúc giá cao và bán đi để kiếm chênh lệch.
- Để đầu tư: trữ coin vì nhận thấy trong tương lai, đồng coin đó có thể lên giá rất cao.
- Để sở hữu: tìm cách đào coin hoặc tham gia các mạng lưới đầu tư để sở hữu coin.
- Tham gia các sàn giao dịch tiền điện tử.
Dĩ nhiên, không ai biết chắc chắn trong tương lai thì tiền điện tử có được ứng dụng nhiều hơn hay không, và liệu sẽ có khung pháp lý riêng cho tiền điện tử hay không. Vậy nên khi đầu tư, trao đổi, giao dịch coin hay token, bạn nên nhanh nhạy nắm bắt thị trường tại mọi thời điểm để có phương án sử dụng hợp lý nhất.
Ưu điểm và nhược điểm của tiền điện tử
Ưu điểm
- Tốc độ giao dịch
Một giao dịch tiền điện tử có thể chỉ mất tối đa một vài phút để hoàn thành. Sau khi hoàn thành giao dịch, bên nhận sẽ tùy ý chi tiêu coin theo ý muốn. Đối với các giao dịch tài chính truyền thống, thời gian chuyển khoản có thể lên đến vài ngày làm việc, đặc biệt là nếu chuyển tiền quốc tế hoặc chuyển tiền vào cuối tuần.
- Phí thấp hơn
Phí giao dịch tiền điện tử thấp hơn nhiều so với việc sử dụng các dịch vụ từ các tổ chức tài chính truyền thống. Ví dụ: không có phí lưu trữ tiền điện tử, trong khi nhiều ngân hàng sẽ tính phí quản lý tài khoản hàng tháng. Chi phí để gửi tiền quốc tế cũng cực kỳ thấp so với các dịch vụ chuyển tiền quốc tế truyền thống.
- Ai cũng có thể sở hữu
Người sở hữu tiền điện tử không cần phải cung cấp thẻ căn cước công dân (CMND) hay bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khác. Không phải kiểm tra lịch sử tín dụng. Không cần cung cấp các thông tin cá nhân khác.
- Bảo mật
Tiền điện tử được lưu trữ một cách an toàn hơn nhiều so với việc giữ tiền mặt hoặc sử dụng thẻ ghi nợ. Để đánh cắp coin hay token của bạn, kẻ cắp cần phải có được khóa riêng tư (private key) của ví tiền điện tử của bạn. Cũng không ai có thể thay đổi được các giao dịch tiền điện tử đã được ghi nhận trên blockchain.
Nhược điểm
- Không được bảo hiểm
Tiền điện tử không được bảo hiểm như các tài sản khác được gửi tại ngân hàng. Ví dụ, nếu ngân hàng thực hiện giao dịch bị lỗi hoặc làm mất tiền của bạn, bạn sẽ được đền bù và hưởng bảo hiểm. Giao dịch tiền điện tử thì không như vậy.
- Không thể xử lý tranh chấp trong giao dịch
Nếu bạn gửi coin cho một người mà không nhận lại được tài sản bạn muốn, bạn sẽ không thể đảo ngược giao dịch hay kiện cáo bất kỳ ai. Một khi giao dịch được xác nhận trên blockchain thì tất cả đã hoàn tất.
- Mất khóa riêng tư là mất tất cả
Một khi bạn làm mất khóa riêng tư của mình, bạn sẽ không thể truy cập vào ví tiền điện tử được nữa. Hãy sao lưu khóa riêng tư của bạn ở nơi an toàn, không để bất kỳ ai kể cả người thân tìm được mã khóa này.
- Dễ biến động
Giá trị của các loại tiền điện tử rất dễ biến động. Điều này có thể gây khó khăn cho việc sử dụng coin/token làm phương tiện thanh toán hàng hóa và dịch vụ vì giá bán lẻ sẽ phải được điều chỉnh tùy theo sự biến động của coin. Sự biến động giá cũng ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư, đặc biệt là trong việc dự đoán và lên kế hoạch đầu tư của họ.
Có nên đầu tư tiền ảo không?
Không ai có thể chắc chắn rằng tiền điện tử hoàn toàn là một khoản đầu tư "tốt" hay "xấu". Tiền điện tử có thể là một trong những phương án đầu tư đáng giá, nhưng bạn không nên dồn toàn bộ tiền bạc của mình vào việc đầu tư tiền điện tử.
Bên cạnh những lợi ích, tiền điện tử cũng chứa nhiều rủi ro mà không ai có thể lường trước. Đặt biệt là việc dự đoán biến động giá của các đồng coin, token cũng khó hơn các tài sản khác như nhà đất hay chứng khoán.
Vậy nên tiền điện tử chỉ nên là một trong số những phương án đầu tư kiếm lời của bạn. Nếu xác định đầu tư vào ngành này, bạn nên tìm hiểu tiền điện tử là gì, chúng hoạt động ra sao, có giá trị đến đâu,...
Đầu tư tiền điện tử cho người mới
Bước 1: Để giao dịch tiền điện tử, bạn cần tạo một tài khoản trên sàn giao dịch hoặc cung cấp vốn cho các kênh chuyên môi giới tiền điện tử. Sau đó bạn có thể bắt đầu giao dịch với đồng tiền điện tử nào mà sàn giao dịch hỗ trợ.
Bước 2: Mua tiền điện tử
Bạn có thể mua ít hơn 01 đồng tiền điện tử. Tức là ví dụ bạn cần phải trả hơn 38.000 USD để mua 01 BTC (bitcoin), nhưng nếu bạn chỉ có 20.000 USD, bạn có thể dùng số tiền này để mua 1 phần của đồng BTC.
Cách mua tiền điện tử an toàn
- Nên chọn sàn giao dịch lớn, lâu đời, được bảo mật tốt.
- Kiểm tra phí giao dịch và hoa hồng trên sàn giao dịch khi mua bán coin/token
Lưu ý: tiền điện tử không được kiểm soát và không được bảo hiểm hay bồi thường. Vậy nên nếu sàn giao dịch bị sập hoặc có người đánh cắp tiền điện tử của bạn, bạn sẽ không thể kiện cáo hay đòi tiền bồi thường.
Thông tin được biên tập bởi: OnCredit.vn